Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Rượu Bàu Đá

Rượu Bàu Đá còn gọi rượu Bầu Đá là tên một loại rượu đế, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Định. Rượu có nồng độ rất cao, hơn 50 độ. .

Xuất xứ tên gọi

Tên gọi của rượu là do được nấu chủ yếu từ làng Bàu Đá xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Việt Nam.

Quy trình nấu rượu

Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu. cộng với kinh nghiệm gia truyền.

Để có một lít rượu Bàu Đá ngon, công đoạn nấu rất công phu: rượu được nấu bằng gạo lứt, nấu một mẻ 5 kg gạo (lấy được 2,5 - 3 lít rượu) phải mất 6 tiếng đồng hồ. Dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua.

Đặc điểm rượu

Rượu Bàu Đá được chưng cất tại làng Bàu Đá, khác với các loại rượu khác trên thị trường vì sự kết hợp giữa gạo lên men và nước thiên nhiên tiệt trùng lấy từ các nguồn suối ngầm dưới lòng đất tại làng này.

Theo những người sành rượu, rượu Bàu Đá có những nét riêng ít loại rượu nào có được. Đưa rượu lên rót nghe thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi bọt sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng cháy cổ khiến người ta giật mình, e ngại.

Với rượu Bàu Đá chính gốc, lỡ khi quá chén không hề đau đầu. Tiếng lành đồn xa, rượu Bầu Đá không còn bó hẹp trong không gian thôn làng nữa mà vươn đến các địa phương khác. Nhiều người khi ghé qua đất Bình Định đều muốn nếm thử một lần cho biết hoặc mua một ít về làm quà biếu người thân. Trong một lần dừng chân ở đất Bình Định, nhà thơ Tản Đà tình cờ thưởng thức một bữa tiệc rượu Bàu Đá, đã nghiêng mình ngưỡng vọng và phong tặng cho rượu Bàu Đá là “Đệ nhị danh tửu”.

Không có nhận xét nào: