Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Động đất

Động đất hay địa chấn là một sự rung chuyển hay chuyển động lung lay của mặt đất. Động đất thường là kết quả của sự chuyển động của các phay (geologic fault) hay những bộ phận đứt gãy trên vỏ của Trái Đất hay các hành tinh cấu tạo chủ yếu từ chất rắn như đất đá. Tuy rất chậm, mặt đất vẫn luôn chuyển động và động đất xảy ra khi ứng suất cao hơn sức chịu đựng của thể chất trái đất. Hầu hết mọi sự kiện động đất xảy ra tại các đường ranh giới của các đĩa kiến tạo chia ra quyển đá của trái đất (các nhà khoa học thường dùng dữ kiện về vị trí các trận động đất để tìm ra những ranh giới này). Những trận động đất xảy ra tại ranh giới được gọi là động đất xuyên đĩa và những trận động đất xảy ra trong một đĩa (hiếm hơn) được gọi là động đất trong đĩa.
Đặc điểm

Động đất xảy ra hằng ngày trên trái đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại. Động đất lớn có thể gây thiệt hại trầm trọng và gây tử vong bằng nhiều cách. Động đất có thể gây ra đất lở, đất nứt, sóng thần, nước triều giả, đê vỡ, và hỏa hoạn. Tuy nhiên, trong hầu hết các trận động đất, sự chuyển động của mặt đất gây ra nhiều thiệt hại nhất. Phần lớn các động đất được nhiều trận động đất nhỏ hơn đi trước hay sau lần động đất chính; những trận này được gọi là dư chấn. Năng lực của động đất được trải dài trong một diện tích lớn, và trong các trận động đất lớn có thể trải hết toàn cầu. Các nhà khoa học thường có thể định được điểm mà các sóng địa chấn được bắt đầu. Điểm này được gọi là tiêu điểm. Phóng điểm trên mặt đất từ điểm này được gọi là chấn tâm.

Nhiều động đất, đặc biệt là những trận xảy ra dưới đáy biển, có thể gây ra sóng thần, có thể vì đáy biển bị biến thể hay vì đất lở dưới đáy biển gây ra.

Có bốn loại sóng địa chấn được tạo ra cùng lúc. Tuy nhiên, chúng có vận tốc khác nhau và có thể cảm nhận được theo thứ tự sau: sóng P, sóng S, sóng Love, và cuối cùng là sóng Rayleigh.

Độ Richter

1–2 trên thang Richter
Không nhận biết được
2–4 trên thang Richter
Có thể nhận biết nhưng không gây thiệt hại
4–5 trên thang Richter
Mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể
5–6 trên thang Richter
Nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng bị nứt
6–7 trên thang Richter
7–8 trên thang Richter
Mạnh, phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc hiện tượng sụt lún trên mặt đất.
8–9 trên thang Richter
>9 trên thang Richter
Rất hiếm khi xảy ra

Các thang đo khác

* Thang độ lớn mô men (Mw)
* Thang Rossi-Forel (viết tắt là RF)
* Thang Medvedev-Sponheuer-Karnik (viết tắt là MSK)
* Thang Mercalli (viết tắt là MM)
* Thang Shindo của cơ quan khí tượng học Nhật Bản
* Thang EMS98 tại châu Âu

Nguyên nhân

* Nội sinh: liên quan đến vận động phun trào núi lửa, vận động kiến tạo ở các đới hút chìm, các hoạt động đứt gãy.
* Ngoại sinh: Thiên thạch va chạm vào Trái Đất, các vụ trượt lở đất đá với khối lượng lớn.
* Nhân sinh: Hoạt động làm thay đổi ứng suất đá gần bề mặt hoặc áp suất chất lỏng, đặc biệt là các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất.

Ngoài ra còn phải kể đến hoạt động âm học, đặc biệt là kỹ thuật âm thanh địa chấn.

Nên làm gì khi có động đất

Động đất là một thiên tai không thể dự báo trước được, cho nên những người sống ở một nơi gần những nơi thường có động đất không thể tránh nó được. Tuy nhiên, có một số điều ta có thể làm để trước, trong lúc, và sau động đất để tránh thương tích và thiệt hại do động đất gây ra.

Trước động đất

* Những vật dụng trong nhà nên được đứng vững chắc. Những thứ như tivi, gương, máy tính, v.v. nên được dán chặt vào tường để khi lung lay cũng không rớt xuống đất gây ra thương tích. Tranh, gương, v.v. nên được đặt xa giường ngủ.
* Đặt các đồ đạc nặng trong nhà như kệ sách, tủ chén, v.v. xa khỏi các cửa và những nơi thường lui tới để khi chúng ngả vẫn không làm chướng ngại lối ra. Chúng cũng nên được dính chặt vào tường.
* Vật dụng nhà bếp nên được dính chặt vào mặt đất, tường, hay mặt bàn.
* Những vật nặng hay dễ bể nên để gần mặt đất.
* Tại một nơi dễ đến, dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, rađiô, băng, thuốc men. Thay đổi chúng thường xuyên khi hết hạn.
* Chọn một nơi tụ họp gia đình nếu mọi người không ở cùng nơi khi động đất xảy ra.

Trong lúc động đất

* Nếu động đất xảy ra trong lúc trong nhà, chui xuống một gầm bàn lớn hay giường nếu nó có thể chịu được nhiều vật rớt. Như thế khi nhà sập vẫn có khí thở. Nếu bàn chuyển động, đi theo bàn.
* Nếu không có gầm bàn thì tìm góc phòng hay cửa mà đứng. Tránh cửa kính.
* Tránh xa những vật có thể rơi xuống.
* Che mặt và đầu để khỏi bị các mảnh vụn trúng.
* Nếu điện cúp, dùng đèn pin. Đừng dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn.
* Nếu động đất xảy ra trong lúc ở ngoài đường, tránh xa các tòa nhà và dây điện. Tìm chỗ trống mà đứng.
* Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường. Tránh các cột điện, dây điện, và đường cầu.

Đăc biệt, nếu đang ở trong các tòa nhà cao tầng:

* Tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt.
* Cũng nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo.
* Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người.

Sau động đất

* Kiểm tra thử có ai bị thương không. Đừng di chuyển người bị thương trừ khi họ ở gần dây điện hay những nguy hiểm khác. Gọi cấp cứu nếu có người tắt thở. Nếu bị nhà sập, gây tiếng động để kêu cứu.
* Chuẩn bị cho các trận dư chấn, những trận động đất gây ra bởi trận động đất vừa xảy ra. Tuy chúng nhỏ hơn, chúng vẫn có thể gây ra thương tích.
* Mở rađiô để xem có tin tức khẩn cấp không.
* Động đất có thể làm đứt dây điện, gas, hay nước. Nếu ngửi thấy có mùi hôi, mở cửa sổ và tắt đường gas, đừng tắt mở máy nào hết, và ra ngoài. Thông báo các nhà chức trách.
* Đến nơi đã chọn để tụ họp và tính đầy đủ.

Không có nhận xét nào: