Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Những cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng


A- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHẠM TRÙ

Khái niệm (conception), phạm trù (category) – phán đoán (judgement)– suy luận (reasoning) là những nấc thang của quá trình nhận thức.
I- KHÁI NIỆM (conception) là sản phẩm của sự phản ánh trong tư duy những thuộc tính chung và bản chất của những đối tượng cùng loại.
2- PHẠM TRÙ (category) của một môn khoa học là khái niệm rộng nhất của một lĩnh vực nhất định thuộc môn khoa học đó.

Thí dụ:
Toán học: số, hình, mặt, quan hệ hàm.
Vật lý: khối lượng, vận tốc, lực
Kinh tế chính trị học: hàng hoá, giá cả, tiền tệ, lợi nhuận.

Phạm trù là khái niệm rộng nhất, phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật, hiện tượng, quá trình thuộc một lĩnh vực nhất định.
3. PHẠM TRÙ TRIẾT HỌC (philosophycal category) trong phép biện chứng duy vậtphạm trù phổ biến, bởi nó phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến nhất của toàn bộ thế giới hiện thực, bao gồm: tự nhiên, xã hội và tư duy. Mối quan hệ giữa phạm trù triết học trong phép biện chứng duy vật với phạm trù của các môn khoa học cụ thể là mối quan hệ giữa “cái chung” và “cái riêng” mà ta sẽ xét dưới đây.
4. Khái niệm, phạm trù đều là
hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Hình thức thể hiện của phạm trù là chủ quan; nội dung phản ánh của phạm trù là khách quan. (Sinh viên hãy phân tích quan niệm sai lầm của phái duy danh, duy thực, của Kant).

B- CÁC CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN (CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG).

I. CÁI RIÊNG – CÁI CHUNG – CÁI ĐƠN NHẤT. (Hay còn gọi là CÁI ĐẶC THÙ Particularity - CÁI PHỔ BIẾN universality, popularity - CÁI ĐƠN NHẤt singularity).

1- Định nghĩa

- CÁI RIÊNG (Particularity) là phạm trù triết học, dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình nhất định. Lưu ý khái niệm “quá trình” (process) của Engels: “Thế giới không phải là một tập hợp những sự vật nhất thành bất biến, mà là tập hợp của những quá trình. Thí dụ : Hà Nội, sông Cửu Long, Nguyễn văn A, thời tiết ngày hôm nay, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

- CÁI CHUNG (Universality) là phạm trù triết học, dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính giống nhau, được lặp lại trong nhiều sự vật, nhiều hiện tượng, nhiều quá trình riêng lẻ. Thí dụ :

- CÁI ĐƠN NHẤT (Singularity) là phạm trù triết học, dùng để chỉ những mặt, thuộc tính, quá trình chỉ có ở một kết cấu vật chất (sự vật, hiện tượng, quá trình) nhất định, mà không lặp lại ở kết cấu vật chất khác. (thí dụ : chỉ tay của mỗi người).

2- Quan hệ biện chứng giữa CÁI RIÊNG, CÁI CHUNG và CÁI ĐƠN NHẤT

2.1- Cái riêng, cái chung, cái đơn nhất có tồn tại thực không ? Cái riêng, cái chung, cái đơn nhất đều tồn tại khách quan (không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người). Phê phán quan niệm của phái duy danh, duy thực, của Kant.

2.2- Chúng tồn tại như thế nào ? Giữa chúng có mối quan hệ biện chứng :

CÁI CHUNG chỉ tồn tại trong CÁI RIÊNG, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình. (thí dụ).

CÁI RIÊNG chỉ tồn tại trong mối liên hệ với CÁI CHUNG, đưa tới cái chung (thí dụ của Lênin: Ivan là người, Ivan là “cái riêng”, người là “cái chung”).

CÁI RIÊNG là cái toàn bộ, phong phú hơn CÁI CHUNG. CÁI CHUNG là cái bộ phận, nhưng sâu sắc hơn CÁI RIÊNG. (Từ thí dụ trong sách, s/v tự tìm thêm thí dụ)

CÁI ĐƠN NHẤT CÁI CHUNG có thể chuyển hoá lẫn nhau, trong quá trình phát triển của sự vật. (thí dụ).

3- ý nghĩa phương pháp luận

3.1- Vì CÁI CHUNG chỉ tồn tại trong những CÁI RIÊNG, thông qua cái riêng mà biểu hiện mình, nên muốn phát hiện CÁI CHUNG của chúng, phải thông qua việc nghiên cứu nhiều CÁI RIÊNG cụ thể. (Muốn khái quát thành lý luận (cái chung), phải đúc kết từ các kinh nghiệm trong nhiều trường hợp cụ thể).

3.2- Vì CÁI CHUNG là cái sâu sắc, cái bản chất, chi phối CÁI RIÊNG, nên trước khi nghiên cứu cụ thể CÁI RIÊNG nào đó, cần nắm bắt CÁI CHUNG trước, để khỏi mất phương hướng. (Chẳng hạn: nắm vững phương pháp học tập chung trước khi học những bài cụ thể). Lênin dạy: “Người nào bắt tay vào những vấn đề riêng trước khi giải quyết những vấn đề chung thì người đó, trên mỗi bước đi, sẽ không sao tránh khỏi “vấp phải” những vấn đề chung đó một cách không tự giác. Mà mù quáng vấp phải những vấn đề đó trong từng trường hợp riêng, thì có nghĩa là đưa chính sách của mình đến chỗ có những sự dao động tồi tệ nhất và mất hẳn tính nguyên tắc”.

3.3- Vì CÁI CHUNG chỉ tồn tại trong những CÁI RIÊNG khác nhau, dưới dạng đã bị cải biến (do có sự tác động một cách khách quan giữa“cái chung” với “cái đơn nhất” trong cái riêng đó), nên khi vận dụng CÁI CHUNG vào CÁI RIÊNG cần phải được “cá biệt hoá” cho thích hợp. (Vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin “cái chung” vào Việt Nam “cái riêng” chẳng hạn).
3.4- Không được tuyệt đối hóa mặt nào. Nếu tuyệt đối hóa CÁI CHUNG sẽ rơi vào giáo điều, rập khuôn, kinh viện, “tả khuynh”. Nếu tuyệt đối hóa CÁI RIÊNG sẽ rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, và về tư tưởng là xét lại, hữu khuynh.

3.5- Vì CÁI ĐƠN NHẤTCÁI CHUNG có thể chuyển hóa lẫn nhau, nên trong thực tiễn, cần tạo điều kiện cho CÁI ĐƠN NHẤT trở thành CÁI CHUNG, nếu điều đó có lợi cho con người. Và làm cho CÁI CHUNG bất lợi trở thành CÁI ĐƠN NHẤT.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ KẾT QUẢ (cause and effect)

I-Khái niệm về nguyên nhân và kết quả

1.1- Định nghĩa

- NGUYÊN NHÂN là sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hay giữa các sự vật với nhau, khiến gây ra những biến đổi nhất định.

- KẾT QUẢ là những biến đổi xuất hiện do sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hay giữa các sự vật với nhau gây ra. (thí dụ trong tự nhiên, xã hội, tư duy).

LƯU Ý: Phân biệt nguyên nhân (cause), nguyên cớ (pretext) và điều kiện (condition).

1.2-Tính chất của mối liên hệ nhân quả

- Khách quan (không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người).

- Phổ biến (mọi sự vật, hiện tượng đều có nguyên nhân nhất định gây ra).

- Tất yếu (cùng một nguyên nhân, trong những điều kiện giống nhau, sẽ cho ra kết quả như nhau: Cứ 2 nguyên tử H kết hợp với 1 nguyên tử O, tất yếu cho ra 1 phân tử H2O).

2- Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

2.1- Quan hệ nhân quả là quan hệ sản sinh: Nguyên nhân sinh ra kết quả, nên Nguyên nhân có trước, kết quả có sau. (mệnh đề đảo lại thì không đúng).

- Nguyên nhân sinh ra kết quả như thế nào? Có các khả năng sau:

+ 1 nguyên nhân sinh ra 1 kết quả. (1 phôi trứng gà, ấp nở ra 1 gà con)

+ 1 nguyên nhân sinh ra nhiều kết quả.(1 thầy dạy, kết quả thi của s/v khác nhau)

+ Nhiều nguyên nhân sinh ra 1 kết quả.(Việc thu hoạch trong nông nghiệp phụ thuộc vào : nước, phân, cần, giống,…)

+ Nhiều nguyên nhân sinh ra nhiều kết qủa. (Sự hoạt động đồng bộ và có hiệu quả của 6 thành phân kinh tế ở nước ta làm cho sản xuất phát triển, kinh tế tăng trưởng, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được bảo đảm, chế độ chính trị được giữ vững).

- Các loại nguyên nhân: nguyên nhân cơ bản và nguyên nhân không cơ bản; nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu; nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài; nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan; nguyên nhân tác động cùng chiều và nguyên nhân tác động ngược chiều,… (Sinh viện tự tìm thí dụ minh hoạ).

- Muốn nguyên nhân sinh ra kết quả thì phải có những điều kiện nhất định (trứng gà muốn nở thành gà con thì phải được ấp).

2.2- Sự tác động trở lại của kết quả đối nguyên nhân (tích cực hoặc tiêu cực).

2.3- Sự phân biệt nhân quả chỉ là tương đối, nghĩa là nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi vị trí cho nhau tùy theo chúng tồn tại trong mối quan hệ nào. Trong thế giới vật chất, chuỗi quan hệ nhân quả là vô thuỷ vô chung. (vì sao?)

3- Một số kết luận về mặt phương pháp luận

3.1- Vì mối liên hệ nhân quả là khách quan, phổ biến, tất yếu, và nguyên nhân có trước kết quả, nên khi tìm nguyên nhân của một hiện tượng nào đó, phải tìm trong thế giới hiện thực ; và phải tìm trong những sự kiện xẩy ra trước hiện tượng đó.

3.2- Vì có thể có nhiều nguyên nhân với những vai trò khác nhau đối với kết quả, nên cần biết phân biệt các loại nguyên nhân và chiều hướng tác động của chúng. Quan tâm đúng mức các nguyên nhân cơ bản, chủ yếu, bên trong. Trong lĩnh vực xã hội, cần đặc biệt coi trọng việc phân tích nguyên nhân chủ quan.

3.3- Vì kết quả có tác động trở lại nguyên nhân (tích cực hoặc tiêu cực), nên cần khai thác sự tác động trở lại đó cho phù hợp.

III. TẤT NGHIÊN VÀ NGẪU NHIÊN (necessity and hazard)

1- Khái niệm tất nhiên (hay cái tất nhiên) và ngẫu nhiên (hay cái ngẫu nhiên)

1.1- Định nghĩa

- TẤT NHIÊN (hay tất yếu - necessity) là phạm trù triết học, dùng để chỉ cái mà sự xuất hiện của nó là do nguyên nhân cơ bản, bên trong của kết cấu vật chất (sự vật, hiện tượng, quá trình) quyết định; và trong những điều kiện xác định, nó phải xảy ra theo một cách nhất định chứ không thể khác.

- NGẪU NHIÊN (hazard) là phạm trù triết học, dùng để chỉ cái mà sự xuất hiện của nó là do sự kết hợp tình cờ của các nguyên nhân bên ngoài, hoàn cảnh bên ngoài (chứ không do những nguyên nhân bên trong) của kết cấu vật chất quyết định; do đó, trong những điều kiện nhất định, nó có thể xảy ra hoặc không xảy ra, có thể xảy ra như thế này hoặc như thế khác. (thí dụ : sinh, lão, bệnh, tử là “tất nhiên” đối với mỗi người. Song sinh, lão, bệnh, tử vào lúc nào, như thế nào, trong hoàn cảnh nào, lại mang tính “ngẫu nhiên” đối với họ).

1.2- Lưu ý

- “Cái tất nhiên” là “cái chung”, song không phải mọi “cái chung” đều là “cái tất nhiên”. Thí dụ : Trong một đội học sinh đi thi toán quốc tế, các em đều là đoàn viên thanh niên Cộng sản, thì “cái chung” đoàn viên không phải là “cái tất nhiên” của đội thi toán. Chỉ “cái chung” nào gắn với bản chất của sự vật, mới là hình thức thể hiện của “cái tất nhiên”. Thí dụ : loại động vật có xương sống, sống dưới nước, thở bằng mang, bơi bằng vây là “cái chung” đồng thời cũng là “cái tất nhiên” của loài cá.

- “Cái tất nhiên” và “cái ngẫu nhiên” đều có nguyên nhân (khác nhau là vị trí của những nguyên nhân đó: bên trong hay bên ngoài).

- “Cái tất nhiên” và “cái ngẫu nhiên” đều bị chi phối bởi quy luật. Quy luật động lực chi phối “cái tất nhiên”. Quy luật xác suất thống kê chi phối “cái ngẫu nhiên”. Thí dụ : Gieo đồng tiền kim loại, mỗi lần gieo đồng tiền sấp hay ngửa là ngẫu nhiên. Song, “cái tất nhiên” là tổng số mặt sấp (hoặc ngửa) so với tổng số lần gieo là xấp xỉ 1/2. Càng gieo nhiều, tỉ số đó càng tiến gần tới 1/2 (chứ không thể là 2/3 hay 3/4).

SỐ LẦN GIEO (y)

SỐ LẦN HIỆN MẶT NGỬA (x)

TẦN SỐ

4.040

2.048

0,5069

12.000

6.019

0,5016

24.000

12.012

0,5005

lim x/y->1/2

2- Quan hệ biện chứng giữa tất nhiên và ngẫu nhiên

2.1- TẤT NHIÊN và NGẪU NHIÊN đều tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người, và đều có vai trò nhất định đối với sự phát triển của sự vật. (Nếu “cái tất nhiên” chi phối sự phát triển của sự vật thì “cái ngẫu nhiên” góp phần ảnh hưởng (tích cực hoặc tiêu cực) tới sự phát triển đó của sự vật).

2.2- TẤT NHIÊN và NGẪU NHIÊN không tồn tại biệt lập dưới dạng thuần tuý, mà tồn tại trong sự thống nhất hữu cơ với nhau, nghĩa là:

- CÁI TẤT NHIÊN bao giờ cũng thể hiện sự tồn tại của mình thông qua vô số CÁI NGẪU NHIÊN. (s/v tự tím thí dụ minh hoạ).

- CÁI NGẪU NHIÊN là hình thức biểu hiện, đồng thời là cái bổ sung cho CÁI TẤT NHIÊN. (thí dụ).

2.3- TẤT NHIÊN và NGẪU NHIÊN có thể chuyển hóa cho nhau, tùy theo việc xem xét chúng trong những điều kiện hoặc trong mối quan hệ nào. (thí dụ).

3- Một số kết luận về mặt phương pháp luận

3.1- Trong nhận thức cũng như trong thực tiễn, khi muốn hoạch địnhthực thi một công việc nào đó, cần dựa hẳn vào CÁI TẤT NHIÊN (vì sao?), đồng thời phải chú ý đúng mức CÁI NGẪU NHIÊN để đề phòng những trường hợp bất trắc.

3.2- Muốn tìm ra CÁI TẤT NHIÊN, phải thông qua việc nghiên cứu, so sánh nhiều CÁI NGẪU NHIÊN để tìm cho ra “cái chung” gắn với bản chất của sự vật. Vì chính “cái chung” đó là hình thức thể hiện của “cái tất nhiên” cần tìm.

3.3- Nói chung, cần coi trong cả CÁI TẤT NHIÊN lẫn CÁI NGẪU NHIÊN, vì trong những điều kiện nhất định hoặc trong những mối quan hệ nhất định, chúng có thể chuyển hóa cho nhau.

IV. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC (the form – hình thức and content –nội dung)

1. Định nghĩa

- Nội dung là tổng hợp tất cả các mặt, các yếu tố, các quá trình tạo thành sự vật.

- Hình thức là phương thức tồn tại của sự vật ; là cách thức tổ chức, sắp xếp các yếu tố cấu thành sự vật (phản ánh mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố đó) ; là kết cấu của nội dung (bao gồm cả dáng vẻ bên ngoài của sự vật).

Thí dụ : . Nội dung và hình thức của một cơ thể sống.

. Nội dung (khách quan) và hình thức (chủ quan) của tư duy.

. Nội dung (chủ đề tư tưởng, cốt chuyện) và hình thức (thể loại, bố cục, bút pháp, hình tượng nghệ thuật…) của một tác phẩm nghệ thuật.

. Nội dung (LLSX) và hình thức QHSX) của một phương thức sản xuất.

. Nội dung (giai cấp) và hình thức (chính thể) của một nhà nước.

. Nội dung (kinh tế nhiều thành phần) và hình thức (cơ chế quản lý phù hợp)

2. Quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức

2.1.Sự thống nhất biện chứng giữa nội dung và hình thức

– Cơ sở của sự thống nhất là do cả nội dung và hình thức đều được hình thành từ các yếu tố cấu thành sự vật.

– Biểu hiện của sự thống nhất là nội dung và hình thức không thể tồn tại tách rời nhau (không có hình thức nào không chứa đựng nội dung. Không có nội dung nào không tồn tại trong một hình thức nhất định).

Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức là sự thống nhất biện chứng, nghĩa là thống nhất trong đa dạng, trong sự khác biệt, nên:

. Cùng một nội dung, trong quá trình phát triển, có thể có nhiều hình thức thể hiện.
Thí dụ :
+ Cùng là nước XHCN (nội dung), nhưng giữa Việt Nam, Trung quốc, Cu ba có sự khác nhau về tổ chức bộ máy (hình thức).
+ Về nghệ thuật : Để diễn đạt cùng một chủ đề tư tưởng (nội dung), có thể thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau : kịch nói, cải lương, tuồng, chèo,v.v…
+ Nhà phố nói chung đều được xây cất bằng những vật liệu giống nhau (nội dung), song lại có rất nhiều kiểu kiến trúc khác nhau (hình thức).

. Một hình thức, có thể thể hiện nhiều nội dung khác nhau. (Sinh viên tự tìm các thí dụ minh hoạ).

2.2. Trong quá trình vận động và phát triển của sự vật, nội dung giữ vai trò quyết định đối với hình thức

Nội dung quyết định hình thức nghĩa là : Nội dung nào, hình thức ấy. Nội dung biến đổi, hình thức cũng phải biến đổi theo cho phù hợp. (Nếu không, trong quá trình biến đổi, nội dung mới sẽ phá vỡ hình thức cũ không còn phù hợp với nó nữa). (Thí dụ : sự thay thế các phương thức sản xuất trong lịch sử).

Vì sao nội dung lại quyết định được hình thức? Trong quá trình phát triển của sự vật, do sự tương tác giữa các mặt trong sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, làm cho các yếu tố cấu thành sự vật (nội dung) biến đổi trước, dần dần kéo theo sự biến đổi những mối liên hệ giữa các yếu tố đó (hình thức). Vì vậy : Nội dung của sự vật là mặt động, khuynh hướng chủ đạo là biến đổi. Hình thức của sự vật là mặt tĩnh tương đối, có khuynh hướng chủ đạo là ổn định.

2.3. Sự tác động trở lại của hình thức đối với nội dung

Do có tính độc lập tương đối, nên hình thức không chỉ phụ thuộc vào nội dung, mà còn tác động trở lại nội dung, biểu hiện trong các khả năng sau :

. Nếu hình thức phù hợp với nội dung, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nội dung. (Thí dụ).

. Nếu hình thức không phù hợp với nội dung, nó sẽ cản trở, kìm hãm sự phát triển của nội dung. Trước sau nó cũng bị nội dung mới phá vỡ hình thức cũ để thiết lập hình thức mới phù hợp. (Thí dụ).

3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận

3.1. Vì nội dung và hình thức không thể tách rời nhau, nên trong nhận thức cũng như trong thực tiễn không được tách rời nội dung và hình thức.

. Nếu tuyệt đối hoá mặt hình thức, sẽ sa vào chủ nghĩa hình thức (formalism).

. Nếu tuyệt đối hoá nội dung, thì thực chất là hạ thấp vai trò của nội dung, bởi nội dung chỉ tồn tại thông qua tổ chức, kết cấu các yếu tố (hình thức) của nó.

3.2. Vì sự thống nhất giữa nội dung và hình thức là sự thống nhất biện chứng (thống nhất trong đa dạng), nên trong thực tiễn, thực hiện một nhiệm vụ nào đó (nội dung), cần sử dụng sáng tạo nhiều hình thức có thể có một cách thích hợp. (Thí dụ : phát động phong trào phòng, chống lây nhiễm HIV, AID bằng nhiều hình thức khác nhau).
. Chống tư tưởng bảo thủ : khư khư làm theo kiểu (hình thức) cũ đã lỗi thời. (thí dụ : yêu cầu sinh viên chủ động, tự tìm tòi, khám phá “chân trời mới” (nội dung), song khi kiểm tra lại bắt sinh viên phải thuộc lòng bằng cách ra đề đóng (hình thức).
. Chống tư tưởng chủ quan, nóng vội : muốn thay đổi hình thức cũ, trong khi nó còn thích hợp với nội dung. (Thí dụ : Thuyết trình luôn luôn là hình thức quan trọng trong việc chuyển tải nội dung môn triết học tới sinh viên, nên dù có dùng các hình thức khác, cũng không thể vứt bỏ hình thức thuyết trình).

3.3. Trong hoạt động nhận thứcthực tiễn, trước hết phải căn cứ vào nội dung (vì nội dung quyết định hình thức). Song, phải luôn luôn xem giữa nội dung và hình thức có phù hợp với nhau không (vì hình thức có tính tương đối) để thúc đẩy hoăc kìm hãm sự phát triển của sự vật, tuỳ theo nhu cầu thực tiễn.

V. BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG (Essence and phenomenon)

1. Định nghĩa

- Bản chất (essence)cái tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định bên trong sự vật, quy định sự vận độngphát triển của sự vật.

- Hiện tượng (phenomenon) cái biểu hiện ra bên ngoài của những mặt, những mối liên hệ ấy (tức của bản chất).

Thí dụ :
Bản chất của nước là do sự kết hợp theo một công thức nhất định giữa nguyên tố H và nguyên tố O tạo thành. Trong điều kiện áp suất bình thường, nước biểu hiện ra bằng hiện tượng : ở thể lỏng, không mùi, không vị, trong suốt, sôi ở 100 0 C, uống được.
– Bản chất của con người, của dân tộc Việt Nam, của tuổi trẻ. (Sinh viên tự tìm hiểu).



2. Mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng

Bản chấthiện tượnghai mặt đối lập trong thể thống nhất của sự vật, tồn tại khách quan.

2.1. Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng :

– Bản chất và hiện tượng không thể tách rời nhau. Bản chất luôn được bộc lộ ra qua hiện tượng (không có bản chất thuần tuý thoát li hiện tượng). Hiện tượng nào cũng là của bản chất, là sự biểu hiện của bản chất ở mức độ nhất định (không có hiện tượng nào hoàn toàn không biểu hiện bản chất).

Về căn bản, hiện tượng và bản chất phù hợp với nhau :

+ Bản chất nào, hiện tượng ấy. Bản chất khác nhau, hiện tượng khác nhau.

+ Bản chất thay đổi, hiện tượng của nó cũng thay đổi theo.

+ Bản chất mất đi, hiện tượng biểu hiện nó cũng mất theo. (Sinh viên tự tìm thí dụ trong tự nhiên, xã hội và tư duy).

2.2. Sự khác biệt, đối lập giữa bản chất và hiện tượng :

Hiện tượng không bao giờ hoàn toàn “trùng khít” với bản chất, bởi hiện tượng luôn chịu sự tác động của môi trường bên ngoài. “Nếu hình thái biểu hiện và bản chất của sự vật trực tiếp đồng nhất với nhau, thì mọi khoa học sẽ trở nên thừa.”(K.Marx)
BẢN CHẤT HIỆN TƯỢNG

Phản ánh cái chung, cái tất yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật. Cùng một bản chất, tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh, có thể biểu hiện qua vô số hiện tượng khác nhau, nên bản chất sâu sắc hơn hiện tượng

Phản ánh cái riêng, cái cá biệt, không quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật. Trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, hiện tượng biểu hiện ra là khác nhau (do có sự tương tác với ngoại cảnh), nên hiện tượng phong phú hơn bản chất.

Bản chất là cái tương đối ổn định, ít biến đổi.

Hiện tượng là cái không ổn định, thường xuyên biến đổi. (Đọc câu của Lênin trong Giáo trình, tr 252)

Bản chất là mặt bên trong, ẩn dấu sâu xa của hiện thực khách quan (sự vật). Bản chất biểu hiện ra bên ngoài thông qua các hiện tượng khác nhau.

Hiện tượng biểu hiện ra bên ngoài của bản chất, nhưng dưới hình thức đã cải biến (không bao giờ phù hợp hoàn toàn với bản chất), nhiều khi xuyên tạc bản chất.

Sinh viên tự tìm những thí dụ cụ thể (trong tự nhiên, xã hội và trong tư duy,Trong kho tàng ca dao, tục ngữ) để minh hoạ cho những nhận định trên.

3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận

3.1. Trong nhận thức, để hiểu đúng đắn, đầy đủ về sự vật, không được dừng lại ở hiện tượng, mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của nó (vì sao ?). Trong thực tiễn, cần dựa vào bản chất, chứ không dựa vào hiện tượng (vì sao ?).

3.2. Vì bản chất của sự vật tồn tại khách quan ở ngay trong bản thân sự vật, nên muốn tìm bản chất của sự vật, phải xuất phát từ chính bản thân sự vật đó, chứ không thể tìm ở ngoài nó.

3.3. Vì bản chất bộc lộ ra bằng hiện tượng, nên chỉ có thể tìm bản chất của sự vật thông qua việc nghiên cứu các hiện tượng của nó. Song, hiện tượng của bản chất thì muôn hình ngàn vẻ, nên phải biết phân tích và tổng hợp các hiện tượng, nhất là nắm được hiện tượng điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

3.4. Vì bản chất có nhiều cấp độ, nên nhận thức bản chất của sự vật là một quá trình vô hạn : “Tư tưởng của người ta đi sâu một cách vô hạn, từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất cấp một, nếu có thể nói như vậy, đến bản chất cấp hai, v.v… cứ như thế mãi.”(Lênin)

(Trên cơ sở những thí dụ của thầy, sinh viên tự tìm những thí dụ khác để minh hoạ cho những điểm nêu trên).

VI. KHẢ NĂNG VÀ HIỆN THỰC (Possibility and reality)

1. Định nghĩa

– HIỆN THỰC là những gì hiện có, hiện đang tồn tại thực sự.

– KHẢ NĂNG là những gì hiện chưa có, nhưng sẽ có, sẽ tới, khi có các điều kiện tương ứng.

LƯU Y:

– Hiện thực bao gồm cả hiện thực vật chất (hiện thực khách quan) và hiện thực tinh thần (hiện thực chủ quan), nghĩa là cả vật chất lẫn tinh thần đều tồn tại.

Khả năng :

+ Khả năng mà ta nghiên cứu là khả năng thực tế, không phải là khả năng ảo.

+ Khả năng khác với : điều kiện, tiền đề, ngẫu nhiên, xác suất.

+ Các loại Khả năng chính :
Khả năng tất nhiên (khả năng gần, khả năng xa)
Khả năng ngẫu nhiên.

Còn nhiều cách phân loại khả năng : khả năng tốt và khả năng xấu ; khả năng song song tồn tại và khả năng loại trừ nhau ; khả năng chủ yếu và khả năng thứ yếu, v.v…

2. Mối quan hệ biện chứng giữa khả năng và hiện thực

2.1. Khả năng và hiện thực tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau, thường xuyên chuyển hoá lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật. (Diễn đạt cách khác : Khả năng và hiện thực là hai mặt đối lập thống nhất biện chứng trong quá trình phát triển của sự vật).

2.2. Ở cùng một sự vật :

– ở trong những điều kiện nhất định, có thể tồn tại đồng thời một số khả năng (Thí dụ: một học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, có các khả năng : thi vào một trường đại học, một trường chuyên nghiệp, dạy nghề ; đi nghĩa vụ quân sự (nếu là nam sinh) ; ở nhà tham gia sản xuất trong gia đình, v.v… Khả năng nào trong những khả năng trên sẽ biến thành hiện thực, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của học sinh đó).

Nếu xuất hiện điều kiện mới, ở sự vật sẽxuất hiện thêm những khả năng mới, và những khả năng vốn có cũng sẽ thay đổi. (sinh viên tự cho thí dụ)

2.3. Điều kiện cần và đủ để cho một khả năng biến thành hiện thực là phải có điều kiện nhất định (thường là một tập hợp những điều kiện). (xem thí dụ trong sách).

Điều kiện để khả năng biến thành hiện thực trong tự nhiên :

+ Hoàn toàn tự phát theo quy luật tự nhiên (Các quá trình địa chất).

+ Vừa theo quy luật tự nhiên, vừa có sự can thiệp của con người (Biến đổi gien).

+ Phụ thuộc vào con người (chế tạo máy móc, vật liệu nhân tạo…).

Điều kiện để khả năng biến thành hiện thực trong xã hội : Bên cạnh điều kiện khách quan, nhất thiết phải có nhân tố chủ quan là thực tiễn của con người. Hoạt động có ý thức của con người có vai trò hết sức to lớn trong việc biến khả năng thành hiện thực. Nó có thể đẩy nhanh hoặc kìm hãm quá trình biến đổi đó, có thể điều khiển cho khả năng phát triển theo hướng này hay hướng khác bằng cách tạo ra các điều kiện thích ứng.

3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận

3.1. Trong thực tiễn, cần dựa vào hiện thực, chứ không được dựa vào khả năng (nếu không muốn rơi vào ảo tưởng) để định ra chủ trương, phương hướng hành động của mình.

3.2. Tuy không dựa vào khả năng, nhưng cần tính đến các khả năng (khả năng gần, xa, tất nhiên, ngẫu nhiên…) để có các phương án dự phòng thích hợp.

3.3. Trong lĩnh vực xã hội, cần đặc biệt chú ý phát huy nguồn lực con người (nhân tố chủ quan). Không thấy nhân tố chủ quan (tức hoạt động của con người), sẽ phạm sai lầm hữu khuynh. Nếu thổi phồng nhân tố chủ quan, bất chấp điều kiện khách quan, sẽ mắc sai lầm “tả khuynh”.

Không có nhận xét nào: