Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Đi tìm rượu Hồng Đào

Là một người sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Nam, đi đến đâu tôi cũng rất tự hào mỗi khi được nghe mọi người nhắc đến câu ca dao: "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say". Hơn cả biểu tượng văn hóa của một vùng đất, câu ca trở thành hành trang tâm hồn trong tâm thức mỗi người đất Quảng tha phương. Nó càng trở nên phổ biến khi được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (cũng là người Quảng Nam) đưa vào bài hát Quảng Nam yêu thương khá quen thuộc. Nhưng để giải thích cho tên gọi “rượu Hồng Đào” thì cho đến nay vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Hiện nay, đặc sản rượu Bàu Đá ở Bình Định cũng có thương hiệu là Hồng Đào. Ở Quảng Nam cũng có nhiều loại rượu mang tên Hồng Đào… Nhưng tất cả các loại rượu này đều "có tên" sau khi bài ca dao ra đời. Vậy “rượu Hồng Đào” trong câu ca dao là rượu gì?

Người thì cho rằng, đây là loại rượu có nguồn gốc từ vùng đất Bảo An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam); người khác lại bảo Hồng Đào thực chất là rượu Bàu Đá được ủ với trái đào tiên được làm ra từ vùng đất An Nhơn (Bình Định)... Trong một bài viết, tác giả Nguyễn Trung Dân lý giải “rượu Hồng Đào” ở Quảng Nam nơi nào cũng có, rượu được chế tác theo kiểu: lấy rượu đế thường nấu bằng gạo sau khi lên men, dùng chân hương đã đốt còn trong bát nhang, hay vỏ bao hương… nhúng vào rượu trắng, để nhuộm màu hồng cho rượu (!). Theo nhà thơ Lê Minh Quốc thì “rượu Hồng Đào” hoàn toàn không có thật mà chỉ là danh từ chung ám chỉ những điều tốt đẹp. Cũng có người đưa ra câu chuyện lưu truyền về một cô gái ở vùng Gò Nổi, huyện Điện Bàn có tên Hồng Đào giúp cha bán rượu và rượu Hồng Đào có tên từ đó...

Tìm hiểu thêm tôi còn được biết một câu chuyện liên quan đến vấn đề này: rượu Hồng Đào trong bài ca dao thực chất chỉ là loại rượu gạo trắng bình thường mà người Quảng vẫn thường uống. Hồng đào là vẻ đẹp trên da mặt người thiếu nữ. Ngày trước, có một chàng trai đến nhà người yêu chơi, khi được người yêu rót rượu mời anh nhìn thấy khuôn mặt hồng hào của cô gái in bóng vào ly rượu trắng và đã đặt tên ly rượu ấy là Hồng Đào. Cũng chính nhìn vẻ đẹp của người mình yêu trong ly rượu nên anh "chưa nhấm đà say". Từ đó người ta mượn tên rượu Hồng Đào để nói về tình cảm mặn nồng của người xứ Quảng.

Trong một lần giao lưu với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, khi chúng tôi hỏi về ý nghĩa câu ca đã được ông đưa vào nhạc phẩm của mình, nhạc sĩ cũng giải thích như thế. Tất nhiên, cách lý giải trên có phần mang hơi hướng chủ quan, nhưng trong một chừng mực nào đó vẫn có sự hợp lý. Nó như một cuộc hành trình tìm đến cái đẹp trong tinh thần mỗi người đất Quảng. Đến nơi đây, người ta đâu chỉ say vì rượu. Say vì tình yêu đấy chứ! Chẳng phải như câu ca từ xưa đã từng lưu truyền đấy sao: “Còn trời còn nước còn non/ Còn cô bán rượu anh còn say sưa”.

VÕ NHƯ NGỌC

Rượu Bảo An chắc gì là "rượu Hồng Đào"?

Chung quanh vấn đề "rượu Hồng Đào là rượu gì?", lâu nay đã có khá nhiều cuộc tranh luận được mở ra công khai trên báo chí hoặc thông qua các buổi tọa đàm. Phần lớn các lập luận, suy luận của những người tham gia định danh cho "rượu Hồng Đào" đều tỏ ra có lý, song chúng lại không thống nhất, không có điểm trùng nhau. Vì thế, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng, chưa ai dám khẳng định rượu Hồng Đào chính xác là rượu gì, có thực hay chỉ là "hư tửu". Chỉ biết, câu ca dao "Đất Quảng Nam..." luôn là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Quảng. Thậm chí, có người cho rằng câu ca dao này còn là một "tấm thẻ căn cước văn hóa" của người Quảng. Cũng vì yêu và tự hào về điều này, có người cho rằng không nên cố "định danh" cho rượu Hồng Đào nữa, bởi các giả thiết logic thuần túy có thể làm hỏng, làm chệch cái da diết, thẳm sâu của nó.

Vì vậy, khi đọc bài "Rượu Hồng Đào có "gốc tích" từ làng Bảo An?", tôi không khỏi bất ngờ và băn khoăn. Bởi lẽ, tìm chỉ dẫn xuất xứ cho một cái chưa rõ có thật trên đời hay không là một chuyện vội vàng, nếu không muốn nói là thừa! Ngạc nhiên hơn, để đưa ra lời khẳng định trên, tác giả bài viết đã dẫn các cứ liệu không liên quan gì tới rượu Hồng Đào mà chỉ liên quan tới rượu nói chung. Vì thế, việc cho rằng vì "rượu Bảo An thơm ngon có tiếng từ xưa" nên rượu Hồng Đào nhất định có "gốc tích" từ Bảo An là một lập luận gượng ép. Nếu theo cách lập luận này, tôi cũng có thể nói rằng thôn Tiệm Rượu (Nam Phước, Duy Xuyên) là nơi ngày xưa có rất nhiều tiệm bán rượu, nên suy ra rượu Hồng Đào phải có "gốc tích" ở đây!

Trong khi chưa thể khẳng định chính xác rượu Hồng Đào là rượu gì, thiển nghĩ rất không nên đặt vấn đề tìm kiếm chỉ dẫn xuất xứ của nó. Tôi nghĩ, chỉ cần thuộc và yêu câu ca dao cực hay nói trên, là đủ!

Không có nhận xét nào: